chủ nhật - Ngày 04/05/2025 - 12:39
Tin tức bất động sản
Tin tức bất động sản mới nhất

Thu hồi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong trường hợp sau
Nội dung bài viết trình bày về các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP.
Tại Điều 33 Nghị định 96/2024/NĐ-CP thì người có chứng chỉ sẽ bị thu hồi chứng chỉ trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp chứng chỉ mất năng lực hành vi dân sự.
- Người được cấp chứng chỉ kê khai trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ không trung thực.
- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa.
- Người được cấp chứng chỉ cho người khác mượn, thuê chứng chỉ để hành nghề.
- Người được cấp chứng chỉ vi phạm các quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Chứng chỉ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nào cấp thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đó có trách nhiệm thu hồi; trường hợp do cơ quan có thẩm quyền khác thu hồi theo quy định của pháp luật thì cơ quan này phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã cấp chứng chỉ biết để thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Nghị định 96/2024/NĐ-CP.
Sau khi có quyết định thu hồi chứng chỉ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp chứng chỉ thông báo cho người bị thu hồi đến nộp lại chứng chỉ. Đồng thời Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tên người bị thu hồi chứng chỉ và xóa tên người được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nguồn: Báo lao động

Những hành vi cấm cán bộ, công chức thực hiện trong lĩnh vực đất đai
Bạn đọc Quế Anh (Thái Nguyên) hỏi: "Đối với cán bộ, công chức, viên chức, khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai, có những hành vi nào bị cấm?"
Công ty Luật TNHH Youme trả lời: Theo Điều 240 Luật Đất đai 2024, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành công vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai có thể bị xử lý kỷ luật, nếu hành vi vi phạm bị phát hiện và còn trong thời hiệu xử lý.
Trong đó bao gồm các hành vi như: Lợi dụng, hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất;
Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai.
Điều 109 Nghị định 102/2024 quy định chi tiết các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ mà bị xử lý kỷ luật như sau:
Vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới đơn vị hành chính như làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới đơn vị hành chính...;
Vi phạm về lập, điều chỉnh, phê duyệt, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
Vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Vi phạm quy định về trưng dụng đất, bao gồm các hành vi: thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích đất, mức bồi thường, thời hạn bồi thường cho người có đất trưng dụng; trưng dụng đất không đúng quy định...;
Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;
Vi phạm quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất;
Vi phạm về tài chính về đất đai như tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không đúng căn cứ, không đúng thời điểm theo quy định; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không đúng đối tượng…;
Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý;
Vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính về đất đai
Vi phạm về việc thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Điều 81 Luật Đất đai, bao gồm các hành vi như không gửi thông báo đối với trường hợp thu hồi đất quy định; không trình quyết định thu hồi đất, không ban hành quyết định thu hồi đất đối với trường hợp quy định...;
Các hành vi vi phạm khác bao gồm: Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
Không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai;
Phân biệt đối xử về giới trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đai;
Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật;
Không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời trong quản lý đất đai theo quy định;
Sử dụng quỹ phát triển đất không đúng mục đích;
Vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn: laodong.vn

Quy định không có hộ khẩu ở địa phương vẫn được cấp sổ đỏ
Bạn được Hương Ly (Thái Bình) hỏi: "Hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về việc cấp sổ đỏ cho những người không còn hộ khẩu ở địa phương?"
Không có hộ khẩu tại địa phương có được cấp sổ đỏ?
Công ty Luật TNHH Youme trả lời: Sổ đỏ là tên thường gọi của chứng thư pháp lý mà Nhà nước cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất, để công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp của họ đối với diện tích đất, tài sản trên đất.
Theo Luật Cư trú hiện hành quy định, hộ khẩu được dùng để xác nhận địa chỉ đăng ký thường trú của công dân.
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 10/2024, sổ đỏ sẽ ghi thông tin của người được cấp sổ, thông tin về giấy tờ nhân thân và địa chỉ theo nơi đăng ký thường trú.
Như vậy, hộ khẩu được dùng để xác nhận nơi đăng ký thường trú của người được cấp giấy chứng nhận và là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi thông tin nơi cư trú của họ trên Sổ đỏ.
Theo quy định tại Luật Đất đai 2024, trường hợp không còn hộ khẩu thường trú, người dân vẫn được cấp sổ đỏ nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Việc không còn hộ khẩu tại địa phương không phải là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước quyết định cấp sổ đỏ cho người dân hay không. Do vậy, nếu người sử dụng đất đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên vẫn có thể được cấp sổ đỏ ngay cả khi không còn hộ khẩu tại nơi có đất.
Hồ sơ xin cấp sổ đỏ khi không có hộ khẩu tại địa phương gồm những giấy tờ gì?
Theo Điều 28 Nghị định 101/2024, đối với trường hợp đăng ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu, người sử dụng đất cần chuẩn bị:
Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận;
Chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc các giấy tờ liên quan tới việc được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất và tài sản gắn liền với đất;
Trích đo bản đồ địa chính (nếu có);
Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho người khác nộp sổ đỏ);
Ngoài các loại giấy tờ chính trên thì tùy thuộc vào nhu cầu mà người dân cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh theo từng trường hợp. Trong đó:
Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận: Giấy tờ chứng việc được nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
Trường hợp là đất giao không đúng thẩm quyền: Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc chứng minh việc mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình gắn liền với đất.
Trường hợp có vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Giấy tờ liên quan đến đóng phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng đất với thửa đất liền kề: Hợp đồng, văn bản thỏa thuận, quyết định của tòa án về việc xác lập quyền đối với thửa đất liền kề kèm theo sơ đồ thể hiện được vị trí, kích thước của thửa đất liền kề.
Trường hợp hộ gia đình đang sử dụng đất: Văn bản xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên đất nông nghiệp mà chủ sở hữu không đủ giấy tờ hoặc công trình được miễn giấy phép xây dựng: Hồ sơ thiết kế công trình xây dựng đã được thẩm định hoặc có kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình xây dựng.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không mục đích được Nhà nước giao đất, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất: Quyết định xử phạt thể hiện được việc đã khắc phục hậu quả là buộc đăng ký đất đai, chứng từ nộp phạt.
Theo báo pháp luật.

Đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sẽ được cấp Sổ đỏ nếu đáp ứng điều kiện này
Đất xen kẹt là gì?
Tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể, đất đai sẽ được phân loại thành 3 nhóm gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Theo đó, mỗi nhóm đất sẽ có từng loại đất cụ thể nhưng không có loại đất nào có tên gọi là đất xen kẹt.
Dù pháp luật không có quy định cụ thể nhưng thực tế, thuật ngữ "đất xen kẹt" được sử dụng phổ biến nhiều ở các khu vực đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Theo cách hiểu phổ biến, đất xen kẹt chủ yếu là đất nông nghiệp nằm trong khu đất dân cư (xen lẫn đất ở) hoặc diện tích đất còn dư sau quy hoạch.
Đây là loại đất nằm giữa khu dân cư nên thửa đất thông không lớn. Đất xen kẹt thực tế chủ yếu là đất vườn, đất trồng cây hàng năm khác, đất ao hoặc các loại đất nông nghiệp khác mà hiện nay không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Điều kiện đất xen kẹt muốn được cấp sổ đỏ
Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định đất xen kẹt sẽ vẫn được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nếu như đáp ứng đủ các điều kiện gồm:
1. Thuộc quỹ đất đã được thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa giao đất, chưa cho thuê đất hoặc giao quản lý quy định tại Điểm d Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Luật Đất đai;
2. Không đủ điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
3. Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Trường hợp không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt công khai.
5. Trường hợp không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, cần lưu ý về nguyên tắc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất xen kẹt.
Theo đó, tại Nghị định 102 có nêu rõ, sẽ ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Đất xen kẹt có được chuyển thành đất ở hay không?
Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể về trường hợp đất xen kẹt được phép chuyển đổi thành đất ở.
Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gồm: Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
Người sử dụng đất cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất sẽ được áp dụng theo loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất.
Cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại khoản 5 Điều 116, Luật Đất đai năm 2024 cụ thể như sau: Căn cứ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, người dân không được xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư nếu chưa chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp theo quy định.
Theo báo pháp luật.

Sắp tới mua bán nhà đất có phải công chứng?
Chính phủ yêu cầu bỏ công chứng, sao y giấy tờ. Như vậy sắp tới khi mua bán nhà đất có cần công chứng nữa không?
Sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin Không yêu cầu công dân sao y, công chứng với giấy tờ đã tích hợp trên VNeID, nhiều bạn đọc hỏi sắp tới khi làm thủ tục nhà đất có cần công chứng nữa không?
ThS Ngô Gia Hoàng (giảng viên khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM) có bài viết chia sẻ.
Giấy tờ tích hợp trên VNeID thay bản giấy truyền thống
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện:
“Điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tương đương với giấy tờ truyền thống khi thực hiện các thủ tục hành chính, không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng, hoàn thành trong tháng 4-2025”.
Nội dung trên cần được hiểu là Chính phủ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo hướng:
Cho phép người dân sử dụng giấy tờ bản điện tử đã được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử (căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID) thay cho giấy tờ bản giấy truyền thống.
Không yêu cầu xuất trình bản giấy, không cần sao y, công chứng bản sao khi thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước.
Đây là chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng định danh điện tử và chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính.
Vì thế, nhiều người hiểu nhầm rằng khi Chính phủ yêu cầu bỏ công chứng, sao y giấy tờ thì việc mua bán nhà đất cũng không cần công chứng.
Việc chỉ đạo “không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, phải sao y, công chứng” không có nghĩa là sắp tới giao dịch nhà đất không cần phải công chứng, chứng thực.
Sao y, công chứng giấy tờ khác với công chứng hợp đồng giao dịch nhà đất
Hoạt động sao y, công chứng giấy tờ mà Chính phủ không yêu cầu người dân thực hiện ở trên được hiểu là việc chứng thực bản sao từ bản chính hoặc chứng thực chữ ký trên các giấy tờ, văn bản cá nhân (căn cước công dân, sổ hộ khẩu, bằng cấp, giấy tờ xe…) dùng để nộp hồ sơ cho các thủ tục hành chính.
Hoạt động này khác với công chứng/chứng thực hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất.
Theo khoản 1 điều 2 Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025): “Công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch mà luật quy định phải công chứng, luật giao Chính phủ quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Như vậy, công chứng là hoạt động xác nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, do công chứng viên thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên và giúp giao dịch có hiệu lực theo quy định pháp luật.
Công chứng, chứng thực là thủ tục bắt buộc đối với giao dịch dân sự về nhà, đất.
Luật Đất đai 2024 (khoản 3 điều 27), Luật Kinh doanh bất động sản (khoản 5 điều 44) và Luật Nhà ở 2023 (điều 164) đều quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở trong giao dịch dân sự phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ một số trường hợp đặc biệt được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Ví dụ, hợp đồng mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc tài sản công, mua bán nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư.
Bộ luật Dân sự 2015 (điều 502) cũng yêu cầu hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan, tức là phải công chứng/chứng thực như quy định nêu trên.
Mặc dù khoản 2 điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định trường hợp hợp đồng về quyền sử dụng đất không được công chứng/chứng thực thì vẫn có thể được công nhận, nhưng cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được xác lập bằng văn bản.
- Một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng (ví dụ bên mua trả ít nhất 2/3 số tiền chuyển nhượng, mua bán nhà hoặc bên bán đã bàn giao nhà, đất).
- Bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai bên yêu cầu mà tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.
Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp ngoại lệ.
Không công chứng, không được cấp sổ đỏ
Để hợp đồng được công nhận người dân phải khởi kiện và chờ phán quyết của tòa, rất mất thời gian, chi phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra khoản 2 điều 31 Luật Đất đai 2024 cũng quy định người sử dụng đất có nghĩa vụ “thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định: người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động.
Để thực hiện thủ tục đăng ký biến động, khoản 1 điều 30 nghị định 101/2024/NĐ-CP yêu cầu trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải nộp hợp đồng hoặc văn bản về việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Do đó, việc không công chứng/chứng thực hợp đồng sẽ khiến người dân không thể làm thủ tục đăng ký biến động, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo báo Tuổi Trẻ

Không bắt buộc làm lại sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh thành
Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Về giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, Bộ cho biết người dân không bắt buộc làm lại đồng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) đã cấp. Nếu có nhu cầu chỉnh lý, người dân có thể thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, đăng ký đất đai...
Việc thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên sổ đỏ thực hiện theo Thông tư 10/2024 về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nếu sổ đỏ không còn dòng trống để xác nhận thay đổi, người dân cần làm thủ tục cấp mới để bổ sung thông tin theo hướng dẫn của Nghị định 101/2024.
Về tờ bản đồ địa chính, tên gọi gồm cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn sau khi sắp xếp; số hiệu mảnh bản đồ địa chính và số thứ tự trong phạm vị cấp xã. Thông tin cấp xã trước khi sắp xếp cần được ghi chú ở ngoài khung bản đồ nhằm phục vụ tra cứu.
Các yếu tố trình bày ngoài khung bản đồ (tên tỉnh, xã), mốc địa giới và đường địa giới, các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất, ghi chú thuyết minh... nếu có cần chỉnh lý trên bản đồ địa chính cho phù hợp.
Những thửa đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập đang sử dụng các kinh tuyến trục khác nhau cần xem xét sử dụng một kinh tuyến trục phù hợp.
Về cơ sở dữ liệu đất đai, UBND cấp tỉnh sau sáp nhập cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và môi trường chuyển đổi cơ sở dữ liệu đất đai từ phần mềm khác sang một phần mềm thống nhất để cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai.
Ngoài ra, dữ liệu không gian đất đai nền theo địa giới hành chính mới cần bổ sung nhóm dữ liệu về thửa đất gồm mã cấp xã, số hiệu tờ bản đồ, số thửa đất địa chỉ theo đơn vị hành chính mới.
UBND cấp tỉnh, thành phố được giao rà soát, thống kê danh mục hồ sơ địa chính và các loại sổ sách, tài liệu dạng giấy lưu trữ qua các giai đoạn để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới, "tránh thất lạc, tiềm ẩn rủi ro cho việc quản lý".
Sổ cấp giấy chứng nhận đã lập khi cấp sổ đỏ lần đầu cần bàn giao cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để lưu trữ.
Nguồn: nexpress.net

Hàng xóm không ký giáp ranh, có cách nào làm được 'sổ đỏ' không?
Gia đình tôi đang làm thủ tục xin cấp 'sổ đỏ' cho mảnh đất của gia đình, nhưng hàng xóm không chịu ký biên bản giáp ranh; không ký giáp ranh có cấp được sổ đỏ không?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng- Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối trả lời:
Trên thực tế nhiều người dân không được cấp hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận dù có đủ điều kiện theo quy định nhưng bị từ chối vì hàng xóm không chịu ký giáp ranh. Hiện tại, quy định về thủ tục đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân cũng không đề cập rõ ràng đến việc phải ký hồ sơ giáp ranh thì mới được cấp Giấy chứng nhận như một thủ tục bắt buộc.
Tuy nhiên, nhiều địa phương yêu cầu ký hồ sơ giáp ranh là cách dễ dàng và phổ biến nhất khi làm thủ tục nhằm xác định việc có hay không tranh chấp với người sử dụng đất liền kề.
Theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận không được từ chối nhận hồ sơ với lý do hàng xóm không chịu ký giáp ranh nếu không có tranh chấp đất đai. Hay nói cách khác, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được từ chối tiếp nhận hồ sơ nếu nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Như vậy, dù hàng xóm có nói sẽ không ký giáp ranh để không được cấp Giấy chứng nhận thì người sử dụng đất vẫn nộp hồ sơ theo quy định.
Căn cứ Điều 11 và khoản 3 Điều 12 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT về xác định và đo vẽ ranh giới thửa đất cho thấy các thửa đất đã được địa chính xác định, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới và lưu tại hồ sơ địa chính để quản lý ngay cả khi chưa được cấp Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, khi xác định ranh giới thửa đất để đo vẽ chi tiết đã có mặt của những người sử đất liền kề, trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt thì phải niêm yết công khai trong vòng 15 ngày. Như vậy, đều có quy định niêm yết công khai 15 ngày và ranh giới thửa đất trong hồ sơ địa chính được xác định, đo vẽ trước đó theo quy định đã ghi nhận sự đồng ý của người sử dụng đất liền kề về ranh giới thửa đất.
Nếu các bên liên quan, hàng xóm không ký hồ sơ giáp ranh, thì bạn có thể chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân xã để xác nhận vắng mặt và trong thời hạn như trên, nếu hộ gia đình, cá nhân xung quanh không có văn bản xác nhận đất đang có tranh chấp gửi cho Ủy ban nhân dân xã thì thửa đất được xác định là không có tranh chấp và có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nếu các bên giáp ranh có ý kiến phản đối thì buộc bạn phải tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp mốc giới. Dựa vào phán quyết của Tòa án sẽ là cơ sở để xác định ranh giới hai bên và bạn có đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo bản án.
Theo báo Pháp Luật.

Quy định về đứng tên sổ đỏ khi có chung quyền sử dụng đất
Thực tế, có nhiều trường hợp đứng tên sổ đỏ khi có chung quyền sử dụng đất dưới đây là từng trường hợp cụ thể.
1. Nhiều người cùng mua một thửa đất
Trường hợp 1: Mua chung nhưng không tách thửa hoặc không đủ điều kiện tách thửa
Căn cứ khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024, khi cùng góp tiền nhận chuyển nhượng thửa đất (góp tiền mua chung thửa đất) thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất và cấp cho mỗi người một Giấy chứng nhận.
- Hình thức ghi trong Giấy chứng nhận: Theo khoản 5 Điều 8 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, trường hợp toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì tại mục hình thức sử dụng được ghi “sử dụng chung”.
Trường hợp 2: Mua chung nhưng tách thửa
Điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định: Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện đăng ký biến động hoặc tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Như vậy, nếu thửa đất nhận chuyển nhượng chung mà đủ điều kiện tách thửa và những người cùng mua muốn tách thửa thì phải tách thửa và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo từng phần được tách.
2. Có chung quyền sử dụng đất khi là vợ chồng
Khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng (khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP).
Như vậy, nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng phải ghi thông tin của cả vợ và chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
3. Có chung quyền sử dụng đất khi là hộ gia đình
Theo Khoản 6 Điều 32 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định thể hiện thông tin của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình trên Giấy chứng nhận như sau:
- Ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong hộ trên Giấy chứng nhận như sau: “Ông” hoặc “Bà”, họ tên, tên và số giấy tờ nhân thân.
- Trường hợp không ghi được hết thông tin của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin của một/một số thành viên. Tiếp theo ghi là: “và các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất của hộ được thể hiện tại mã QR”.
- Mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất.
- Trường hợp các thành viên thỏa thuận ghi tên của người đại diện trên Giấy chứng nhận thì ghi thông tin của người đại diện như sau: “Ông” hoặc “Bà”, họ tên, tên và số giấy tờ nhân thân", tiếp theo ghi “là đại diện cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình”.
- Mã QR của Giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ thông tin của những người có chung quyền sử dụng đất.
Như vậy, đối với đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện đầy đủ thông tin của các thành viên hoặc ghi tên của người đại diện, tùy theo nhu cầu của hộ gia đình.
Theo báo Tuổi Trẻ.

Quy định mới nhất về thủ tục tách thửa, hợp thửa đất từ ngày 3/4, người dân cần biết
Khi tách thửa, hợp thửa đất, người dân cần nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Ngày 3/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 629/QĐ-BTNMT về việc công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Trình tự thực hiện
Theo đó, thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất thuộc thủ tục hành chính cấp tỉnh có trình tự thực hiện như dưới đây.
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Văn phòng đăng ký đất đai; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ của thành phần hồ sơ, tính thống nhất về nội dung thông tin giữa các giấy tờ, tính đầy đủ của thông tin và hẹn trả kết quả theo mẫu quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thành phần hoặc không đảm bảo tính thống nhất nội dung thông tin giữa các giấy tờ không đầy đủ thông tin theo quy định thì không tiếp nhận và trả hồ sơ cho người yêu cầu tách thửa hoặc hợp thửa đất, đồng thời hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trường hợp Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau: Kiểm tra hồ sơ, đối chiếu quy định tại Điều 220 Luật Đất đai 2024 để xác định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; kiểm tra các thông tin về người sử dụng đất, ranh giới, diện tích, loại đất của các thửa đất trên hồ sơ lưu trữ, hồ sơ do người sử dụng đất nộp.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định tại Điều 220 Luật Đất đai 2024 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ cho người sử dụng đất và thông báo rõ lý do;
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất nhưng Giấy chứng nhận đã cấp không có sơ đồ thửa đất hoặc có sơ đồ thửa đất nhưng thiếu kích thước các cạnh hoặc diện tích và kích thước các cạnh không thống nhất thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả hồ sơ, thông báo rõ lý do và hướng dẫn để người sử dụng đất thực hiện trích lục bản đồ địa chính hoặc thuê đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện đo đạc chỉnh lý thửa đất hoặc trích đo bản đồ địa chính để thực hiện đăng ký biến động đất đai;
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và Giấy chứng nhận đã cấp có sơ đồ thửa đất, đủ kích thước các cạnh, diện tích và kích thước các cạnh thống nhất thì trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm:
Xác nhận đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất kèm các thông tin thửa đất vào Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời xác nhận vào Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất để hoàn thiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với các thửa đất sau tách thửa, hợp thửa, trừ trường hợp Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện.
Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất mà không thay đổi người sử dụng đất thì thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất sau khi tách thửa đất, hợp thửa đất và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp.
Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất mà có thay đổi người sử dụng đất thì sau khi xác nhận đủ điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất vào Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất và Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất thì chuyển cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đối với thửa đất sau khi tách, hợp thửa. Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích thay đổi quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất sau khi tách thửa đất, hợp thửa đất và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp.
Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì việc chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp được thực hiện sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Thành phần, số lượng hồ sơ
Thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất
Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai;
Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;
Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;
Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết
Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính thời gian cơ quan có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, thời g ian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, thời gian niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thời gian thực hiện thủ tục chia thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chết trước khi trao Giấy chứng nhận.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 05 ngày làm việc.
Theo báo: An ninh tiền tệ

Chọn đất để mua theo đúng phong thuỷ
1. Chọn đất theo phong thủy
Thế đất đẹp: Đất có hình dạng vuông vắn hoặc chữ nhật là tốt nhất. Tránh đất méo mó, hình tam giác, hoặc đất bị khuyết góc.
Địa thế đất: Nên chọn đất có thế cao ráo, không nằm ở vùng trũng hay khu vực dễ bị ngập úng.
Minh đường rộng rãi: Trước nhà nên có khoảng không rộng như công viên, sông hồ hoặc đường rộng thoáng.
Lưng tựa núi, mặt hướng thủy: Thế đất có điểm tựa phía sau và mặt trước có dòng nước chảy nhẹ nhàng mang lại sự ổn định và tài lộc.
2. Hướng nhà hợp phong thủy
Hợp mệnh gia chủ: Nên xác định hướng nhà theo mệnh của gia chủ theo Bát Trạch (Đông tứ trạch hoặc Tây tứ trạch).
Hướng tốt theo Bát Trạch:
Đông tứ trạch (Khảm, Ly, Chấn, Tốn): Hướng tốt là Đông, Đông Nam, Bắc, Nam.
Tây tứ trạch (Càn, Đoài, Cấn, Khôn): Hướng tốt là Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc.
Tránh hướng xấu: Tránh hướng nhà phạm vào Tuyệt Mệnh, Ngũ Quỷ, Lục Sát, Họa Hại.
3. Bố trí nhà theo phong thủy
Cửa chính: Không đối diện với cửa hậu, nhà vệ sinh, cầu thang hoặc gương để tránh thất thoát tài lộc.
Bếp: Không đặt đối diện nhà vệ sinh, cửa chính hay dưới xà ngang, tránh để bếp ở giữa nhà.
Phòng ngủ: Không đặt giường ngủ đối diện cửa phòng, gương hoặc dưới dầm, xà ngang.
Nhà vệ sinh: Không đặt ở trung tâm nhà, không đối diện cửa chính hoặc bếp.
Cầu thang: Không nên hướng thẳng ra cửa chính hoặc đâm vào bếp.
4. Yếu tố thiên nhiên trong phong thủy nhà đất
Nước: Hồ nước, ao, sông suối phía trước nhà giúp tạo sinh khí tốt.
Cây xanh: Trồng cây xanh hợp phong thủy giúp điều hòa năng lượng. Tránh cây to chắn cửa chính hoặc cây chết khô.
Ánh sáng và thông gió: Nhà cần có đủ ánh sáng tự nhiên, không bị u ám hay quá bí bách.
5. Hóa giải phong thủy xấu
Nhà gần nghĩa trang, bệnh viện: Dùng đá phong thủy, trồng cây chắn khí xấu.
Nhà có đường đâm thẳng vào: Dùng gương bát quái hoặc trồng cây chắn khí.
Nhà có góc nhọn chiếu vào: Dùng rèm che, cây xanh hoặc đặt vật phẩm phong thủy để hóa giải.